A – Theo nguồn gốc: có đá thiên nhiên và đá nhân tạo
1/ Đá thiên nhiên: được hình thành một cách tự nhiên trong vỏ trái đất qua quá trình phản ứng hóa học giữa các vật chất tự nhiên.
Ngày xưa con người đã biết khai thác đá thiên nhiên để làm vật liệu trong xây dựng, chế tác đồ nghệ thuật, vật trang trí… Ngày nay với công nghệ máy móc hiện đại, con người càng có điều kiện để khai thác nguồn đá thiên nhiên tốt hơn, cho ra nhiều sản phẩm tốt hơn về chất lượng và phong phú về chủng loại.
Quy trình khai thác và sản xuất đá thiên nhiên như sau: bằng nhiều loại phương tiện máy móc kỹ thuật, con người khai tác từ các mỏ đá ra thành dạng khối hình chữ nhật (đá block), sau đó đá bock được xẻ ra (giống như xẻ gỗ khối), phần lớn xẻ thành dạng tấm, đá tấm sau khi xẻ ra được đem đi mài bóng bằng tay bán thủ công hoặc bằng máy đánh bóng tự động. Từ dạng đá tấm đánh bóng một mặt, người ta đem đi cắt thành quy cách theo từng hạng mục công trình để ốp.
2/ Đá nhân tạo: Nhu cầu con người ngày càng lớn, lượng đá thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, con người ngày nay đã mô phỏng các loại đá thiên nhiên, dùng bột đá thiên nhiên và một số chất hóa học khác để tạo ra đá nhân tạo.
Quy trình sản xuất đá nhân tạo: trong quá trình khai thác đá thiên nhiên, một lượng lớn những khối đá lỗi bị thải ra, người ta đem những khối đá lỗi đó nghiền thành bột đá, bột đá cùng với một số chất hóa học đổ vào khuôn (hình khối chữ nhật), sau khi trộn đều các chất với nhau sẽ diễn ra quá trình phản ứng hóa học, tạo ra sự kết dính các phần tử đá với nhau, hình thành khối đá nhân tạo. Khối đá nhân tạo được đem đi xẻ và mài bóng giống như đá khối thiên nhiên.
B – Theo cấu tạo chất đá, có:
– Đá granite (đá hoa cương): Granite ra đời cùng với sự hình thành của trái đất, là một dạng của Macma lỏng phun trào ra khỏi lòng đất, khi nguội trở thành một chất có độ bền và cứng như kim cương. Granite là một loại đá lửa, tên của loại đá này đã nói lên được nguồn gốc của nó. Cấu tạo của đá Granite giống như cấu tạo của nham thạch, tuy nhiên độ cứng và tỷ trọng của Granite có được là do sức nén mạnh với áp suất cao trong lòng đất. Trải qua hàng triệu năm, các tác động của địa chất đã làm thay đổi bề mặt trái đất và đẩy các vỉa Granite lên trên bề mặt. Quá trình tan dần của các sông băng đã kéo trôi đi lớp đất đá trên bề mặt và làm lộ các tầng đá Granite. Với đặc thù của đá Granite là lớp ngoài lộ trên mặt đất, nên chúng được tìm thấy trên tất cả các Châu lục trên trái đất.
Thành phần
Granite được hình thành từ các tập tinh thể được gắn kết với nhau mà không có khe rỗng giữa chúng. Sự liên kết chặt chẽ của các tinh thể đã tạo nên đặc tính riêng biệt của granite nên người ta có thể dễ nhận ra granite trong số nhiều loại đá.
Thành phần chính của đá granite bao gồm:
+ Feldspar (50% hoặc lớn hơn)
+ Quartz (25-40%)
+ Mica (3-10%)
Các tỷ lệ khác nhau của các chất này tạo cho mỗi loại granite màu sắc, kết cấu và đặc tính riêng. Thêm vào đó, các khoáng chất ‘hornblende, magnetite, hematite, pyrite, zircon, garnet, corundum và các chất khác với tỷ lệ thấp hơn’ tạo nên kết cấu và màu sắc riêng biệt cho mỗi loại granite.
Ở thị trường VLXD Việt Nam hiện nay thịnh hành một số đá granite sau: Đen Kim sa (Ấn Độ), Đỏ Brazil (Ấn Độ), Nâu Anh Quốc (Ấn Độ), Xà Cừ (Na Uy), Đen Huế (Trung Quốc), Tím Mông Cổ (Trung Quốc), Trắng Suối lau (Việt Nam), Đen Phú Yên (VN), Đỏ Bình Định(VN)….
Đá granite thường được dùng ốp những hạng mục như: Cầu thang, tam cấp, mặt tiền. . .
2/ Đá Marble (còn gọi là đá hoa, đá cẩm thạch):
Là một loại đá biến chất từ đá vôi, có cấu tạo không phân phiến. Thành phần chủ yếu của nó là canxit (dạng kết tinh của cacbonat canxi, CaCO3). Nó thường được sử dụng để tạc tượng cũng như vật liệu trang trí trong các tòa nhà và một số dạng ứng dụng khác.
Từ đá hoa (marble) cũng được sử dụng để chỉ các loại đá có thể làm tăng độ bóng hoặc thích hợp dùng làm đá trang trí.
Xét về độ cứng, đá marble thường không có độ cứng cao như đá granite, nhưng bù lại, đá marble có vân tự nhiên sống động và màu sắc tươi tắn hơn bất kỳ loại đá nào.
Thông thường đá marble được xem là dòng đá cao cấp hơn so với đá granite, (mặc dù trên thực tế rất nhiều loại đá marble rẻ hơn đá granite). Nên đá marble thường được ốp trong các công trình cao cấp như: biệt thự, khách sạn, resort, chủ yếu là ốp nền, tolet, tường, mặt tiền…
Ở thị trường Việt Nam hiện nay thịnh hành một số đá marble sau: Trắng Carara (Ý), Volakas (Hy lạp, Ý), Trắng Hoàng Gia (Trung Quốc), Vàng Ai cập (Ai cập), Kream Marfil (Tây Ban Nha), Dark Emperado (Tây Ban Nha), Light Emperado(Thổ Nhĩ Kỳ)…
Ngoài 2 dòng đá trên còn có một số dòng đá khác cũng được dùng nhiều trong xây dựng như: dòng sa thạch, dòng ngọc thạch… nhưng ở thị trường Việt Nam chưa thịnh hành.